Chùa Hội Tôn, Cổ Lâm và Tổ sư Liễu Quán

1. Tháp chùa Hội Tôn và Cổ Lâm:

Chùa Hội Tôn là nơi Tổ Liễu Quán đã”đồng chơn nhập đạo” năm lên 6 khi mẹ vừa qua đời.Theo ý nguyện của Ngài,cha bằng lòng cho xuất gia với Hòa thượng Tế Viên người Trung Hoa đang hoằng hóa đạo pháp tại đây. Dấu tích của chùa Hội Tôn  vào giữa thế kỷ XVII, nay chỉ còn  một ngôi tháp cổ cạnh nhà thờ Mằng Lăng thuộc thôn Hội Tín, xã An Thạch, huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Bên tháp ấy còn có nhiều ngôi mộ mà kiểu cách và thời điểm xây dựng khác nhau: Có mộ cổ lâu đời dáng kiều ngựa, búp sen, con rùa…Có hai mộ tập thể mà theo giáo dân trong vùng là của tổ tiên họ bị giết trong thời ‘’sát tả” ở nhiều nơi được cải táng về đây. Điều ngạc nhiên là tháp và mộ của các giáo dân cùng ở trên diện tích rất hẹp và chen chúc nhau. Vật liệu xây dựng bằng vôi, đá tổ ong hoặc bằng gạch cũ. Trong vùng từ Mằng Lăng đến Lò Gốm thôn Quảng Đức  rải rác cũng có mộ kiểu dáng này. Chủ nhân là ai: người Chăm, người Hoa hay người Việt,  còn là vấn đề của các nhà nghiên cứu xác minh.

Chùa Hội Tôn  tồn tại trong một thời gian dài? rồi sau đó mới dời đến chùa Cổ  Lâm xây dựng trên lưng chừng núi Sơn Chà, cách địa điểm  cũ chừng 300m theo đường chim bay.Tương truyền mộ tháp được di dời và xây lại nơi chùa mới 10 ngôi tháp, có 7 tháp Hòa thượng và 3 tháp búp sen chỉ còn lại một tháp Hòa thượng nơi chùa cũ như là chứng tích.

Chùa Cổ Lâm hoang phế, di tích còn lại là những bức tường gạch sập đổ và móng, nền vỡ vụn.. Biển thờ “Pháp vũ thọ” của Cổ Lâm được lưu giữ tại chùa Liên Trì  cùng thôn Hội Tín. Theo sự hiểu biết của người dân trong vùng, cháu của thầy dòng Nguyễn Hữu Tài kể lại: Những ngày cấm đạo dưới triều Nguyễn có vị sư đã che dấu hai thầy truyền giáo trong họ đạo trốn thoát khi sắp bị sát hại. Sau này, chính họ đã hướng dẫn để cải táng mộ của những giáo dân bị giết hại.

Những tháp ở chùa Cổ Lâm có cùng thời điểm và mô hình cũng như chất liệu xây dựng chứng tỏ đây là những tháp  được xây dựng cùng một lúc trong khi phải dời chùa. Mộ tháp không có bia ký. Trước đây Thầy Khế Tâm có gắn bia”Cổ Lâm đường thượng tứ thập thế” vào một ngôi tháp. Các tháp còn lại cần được tu sửa, bởi có tháp đã nghiêng theo triền dốc ! Và tháp còn lại nơi chùa Hội Tôn cách đây hơn 300 năm phải tìm hiểu thận trọng và chính xác ! Đây là sự kiện của các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lãnh vực, trước mắt là tôn giáo cần quan tâm.

2. Tổ Liễu Quán:

Ngài họ Lê, húy Thiệt Diệu hiệu Liễu Quán người làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, nay là thôn Trường Xuân thị trấn Chí Thạnh huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Sinh giờ Thìn ngày 13 tháng 1 năm Đinh Vị (1667) đời vua Lê Huyền Tôn. Năm 6 tuổi mẹ mất, Ngài được thân sinh cho xuất gia với TếViên Hòa thượng tại chùa Hội Tôn. thôn  Hội Tín xã An Thạch, huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Ngài tỏ ra thông minh khí tiết hơn các chúng đồng tu. Học đạo được 7 năm thì  Hòa thượng qua đời. Năm  Canh Thìn (1680), Ngài ra Huế thọ học với Hòa thượng Giác Phong ở chùa Hàm Long Huế, tức chùa Báo Quốc ngày nay. Năm Tân Mùi (1691) Ngài phải trở vào  Phú Yên  để nuôi cha già yếu, nhà nghèo phải hái củi để có tiền thuốc thang lúc cha bệnh và qua đời năm Ất Hợi (1695). Ma chay xong, Ngài trở ra Huế thọ sa di với Hòa thượng Thạch Liêm và thọ cụ túc giới với Hòa thưọng Từ  Lâm vào năm Đinh Sửu (1697). Năm Kỷ Mão (1699), Ngài đi tham lễ cầu học ở các thiền môn, đến năm Nhâm Ngọ (1702) Ngài đến Long Sơn bái yết Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung, Tổ sáng lập chùa Aán Tôn  nay là Từ Đàm và được trao công án: Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xư 萬法歸一一歸何處 (Muôn pháp quy về một. một quy về đâu). Sau một thời gian không tìm ra giải đáp, Ngài trở về Phú Yên và một hôm nhân đọc Truyền đăng lục: Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ 指物傳伈,人不會處 (Chỉ vật truyền tâm, chỗ mà người ngoài không biết). Ngài bỗng nhiên ngộ nhập và tìm ra câu giải đáp, nhưng vì xa cách không thể trình Thầy nên mãi đến năm Mậu Tý (1708) Ngài đến Long Sơn để cầu Hòa thượng ấn chứng, nhưng không được. Hòa thượng Tử Dung còn nêu ra nhiều câu hỏi khác nữa. Sau đó, Ngài phải đến núi Thiên Thai lập thảo am để tham thiền nhập định. Thảo am đó là chùa Thuyền Tôn ở Huế hiện nay, một ngôi chùa của tông phái Thiền.

Mùa Hạ năm Nhâm Thìn (1712), Ngài trình bài kệ Dục Phật lên Hòa thượng và trả lời thông suốt nhiều câu hỏi đáp thì được Tổ ấn khả. Tổ Minh Hoằng Tử Dung đời thứ 34 phái Thiền Lâm Tế chính tông truyền tâm ấn cho ngài Liễu Quán, húy Thiệt Diệu là tổ đời thứ 35 đã tiếp nối và làm rạng rỡ dòng Thiền Lâm Tế ở Thuận Hóa gọi là Tử Dung – Liễu Quán. Về sau đã biệt xuất dòng kệ 48 chữ: Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng, Tâm Nguyên Quảng Nhuận, Đức Bổn Từ Phong… rồi hoằng truyền  đạo pháp khắp miền Trung và cả nhiều tỉnh ở miền Nam hiện nay. Từ năm Nhâm Dần (1722)  Ngài về Tổ đình Thuyền Tôn, Huế và sau đó mở nhiều  đại giới đàn truyền  giới theo thỉnh cầu của hàng cư  sĩ, xuất gia và quan viên. Năm Canh Thân (1740), Ngài trở lại Tổ đình. Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cảm phục đạo hạnh của Ngài thường triệu vào cung, nhưng Ngài tạ từ không đến. Năm Nhâm Tuất (1742), Ngài chứng minh đại giới đàn tại chùa Viên Thông, tháng 9 năm ấy Ngài nhóm bệnh rồi tháng 11 trước khi viên tịch Ngài họp đệ tử và dạy rằng: Nhơn duyên đã mãn, ta sắp  tịch đây  và  Ngài còn viết:

Thất thập niên dư thế giới trung

Không không sắc sắc diệc dung thông

Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý

Hà tất bôn man vấn tổ tông.

Dịch nghĩa:

Ngoài bảy mươi năm trong thế giới

Không không sắc sắc thảy dung thông

Ngày nay nguyện mãn về quê cũ

Nào phải ân cần hỏi tổ tông.

Tháp tổ sư Liễu Quán tại Huế

Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1742) vào giờ Mùi Ngài thị tịch với 76 tuổi đời, 43 hạ lạp. Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 -1765) ban hiệu là Đạo Hạnh thụy là Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng. Ngày 19 tháng 2 năm Quý Hợi (1743) mới nhập tháp ở phía Nam núi Thiên Thai thuộc làng An Cựu, huyện Hương Trà nay thuộc thành phố Huế. Gần 3 tháng sau ngày Tổ viên tịch mới nhập tháp, có lẽ vì chờ đợi chư sơn ở Phú Yên, quê hương xa cách của Tổ ra dự lễ.

3. Đệ tử đắc pháp của tổ Liễu Quán:

Tổ Liễu Quán có 49 đệ tử xuất gia danh tiếng và rất nhiều đệ tử tại gia. Ở Huế có 9 vị gồm:

-Tế Hiệp: Đệ tử đắc pháp trực tiếp ở chùa Thuyền Tôn, ngôi Tổ đình lớn nhất ở Thuận Hóa.  Ngài húy Hải Điện thụy Viên Minh Hòa thượng. Ngài trú trì 33 năm và viên tịch năm 1775 tại Tổ đình.

-Tế Mẫn Tổ Huấn kế thế Tổ Tế Hiệp trú trì Tổ đình từ 1775 – 1777,và Ngài Tế Hiển Trạm Quang là pháp lữ của hai Tổ trên.

-Tế Nhơn Hữu Bùi chùa Báo Quốc húy Viên Giác thụy Giác Viên Hòa thượng

( -1753) về sau truyền vào Phú Yên. Ngài Tánh Thông Giác Ngộ Hòa thượng, đã 41 năm tu luyện trong núi được tôn phong là “Sơn nhân tăng” có phép  thần túc thông và chữa được bệnh mù mắt mẹ vua Minh Mạng, là Tổ khai sơn chùa Bát Nhã tại Mỹ Phú, xã An Hiệp huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên  thuộc pháp phái của Tổ Tế Nhơn.

-Tế Ân Lưu Quang, trùng hưng chùa Báo Quốc thụy Viên Giác là vị Tổ phát huy  rộng khắp Thiền phái Tử Dung – Liễu Quán ở Thuận Hóa, Huế và nhiều tỉnh miền Trung.

-Tế Vĩ Trường Chiếu, Tổ khai sơn chùa Đông Thuyền, ở Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên, thụy là Viên Hiệu Hòa thượng

-Tế Phổ Viên Trì đã kế thế Tổ Liễu Quán trú trì chùa Viên Thông. Tổ kế thừa húy Đại Nguyện thụy là Viên Đoan Hòa thượng, phái Lâm Tế đời 37. Đời thứ 38, Ngài Đạo Thiện thụy là Viên Trừng Hòa thượng. Đời thứ 39 có ngài Tánh Trạm thụy là  Quảng Phong trú trì nhưng chùa suy dần. Năm Thành Thái nguyên niên (1889) Hòa thượng Pháp Lâm húy Chơn Kim, Tổ kế thừa thứ 5 chùa Châu Lâm ở PhúYên, thuộc dòng kệ của Thiền sư Minh Hải chùa Chúc Thánh, Quảng Nam ngang với thế hệ 40 phái Lâm Tế đã trùng hưng chùa. Sau đó.Ngài viên tịch, đệ tử Như Thừa Hoằng Nguyện  đời thứ 41 kế thế khai khẩn đất đai với tinh thần “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”.

-Tế Ngữ Chánh Dũng, Tổ khai sơn chùa Từ Lâm. Tế Huy Quảng Tánh chùa Khánh Vân. Chùa này do ngài Giác Thù (1664 -1754) phái Tào Động khai sơn. Sau đó hai phái thay nhau trú trì.

Tỉnh Phú Yên có khoảng 10 đệ tử kế thừa Tổ Liễu Quán đã khai sơn các chùa:

-Tế Hẩu hiệu Khánh Liên  Đại lão Hòa thượng  kế thừa Tổ khai sơn chùa Bảo Tịnh húy là Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán thụy Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng

-Tế Duyên chùa Kim Cang hiệu Quảng Giác Hòa thượng. Chùa được sáng lập từ thời Lê trung hưng được nhà vua ban sắc tứ vào năm thứ 5 niên hiệu Vĩnh Hựu (1739). Chùa còn giữ được độ điệp của vua Minh Mạng cấp vào năm 1830.

-Tế Dũng Tổ khai sơn  chùa Bình Quang phường 4 Thành phố Tuy hòa, tỉnhPhú Yên.

-Tế Căn (1702-1767) Tổ khai sơn chùa Hồ Sơn hiệu Từ Chiếu Lão Tổ Hòa thượng. Chùa năm trên ngọn đồi ba bề là ruộng đồng thuộc phường 9 thành phố Tuy Hòa.

-Tế Khoán : hiệu Trừng Hưng Hoà thượng khai sơn chùa Dương Long thôn Phú Aân ,xã Hòa An huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

-Tế Ngạn Tổ khai sơn chùa Long Sơn (chùa Bầu Đục) thôn An Nghiệp xã Hòa Định huyện Tuy Hòa nay là huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên hiệu là Thanh Tùng Hòa thượng

-Tế Thường hiệu An Dưỡng Hòa thượng, Tổ khai sơn chùa Vĩnh Xương thôn Phú Lương xã An Phú huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

-Tế Đài hiệu Khánh Thụy Hòa thượng, Tổ khai sơn chùa Kim Long  phía Đông núi Nhạn thuộc phường I thành phố Tuy Hòa.

-Tế Ý hiệu Hoằng Câu Hòa thượng, Tổ khai sơn chùa Long Sơn, thôn Phú Hòa xã An Mỹ huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên Tế Tín hiệu Pháp Vị Hòa thượng có long vị thờ ở chùa này.

Cùng thời với Tổ Liễu Quán khai sơn chùa Bảo Tịnh, ở Phú Yên còn có các thiền sư phái Lâm Tế đời thứ 35  như Thiệt Lãm hiệu Chí Kiên Hòa thượng khai sáng chùa Bảo Sơn Thiên Hải ở Phú Ốc và chùa Thiên Hưng ở Hội Phú xã An Ninh Đông huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Chùa Viên Quang ở An Nghiệp huyện Tuy An, Tổ khai sơn húy Phật Đạt hiệu Mặc Tùy và chùa Châu Lâm nguyên thủy là chùa Long Thủy ở làng Bạc Mã tổng An Hải, nay là thôn Quảng Đức xã An Thạch huyện Tuy An do Tổ kế thừa húy Phật Đoan (theo dòng kệ Đạo Mân) phái Lâm Tế đời thứ 35.

4. Chùa Châu Lâm và Đền thờ Tổ Liễu Quán:

Chùa Châu Lâm ở phía Nam núi Aman tại làng Ngân Sơn ( nguyên là Bạc Má xã, Hạ tổng, huyện Đồng Xuân), nay là thôn Quảng Đức xã An Thạch huyện Tuy An. Chùa nguyên thủy  đồng thời với chùa Hội Tôn vào cuối thế kỷ XVII, bởi Tổ kế thừa là Phật Đoan phái Lâm Tế đời thứ 35 cùng đời với Tổ Liễu Quán.

Chùa ở trên độ cao 10m có chánh điện, nhà đông, nhà tây. Đền thờ Tổ Liễu Quán được sư Khế Tâm  xây dựng trên núi Aman phía tây chùa ở độ cao 20m. Đền xây kiên cố có tầng lầu thờ tượng Tổ Liễu Quán tư thế ngồi. Tầng dưới thờ Bia Tổ chạm khắc bằng đá Non Nước cao 1.2m rộng 0,8m. Mặt trước khắc chữ Hán theo bản chính của Pháp điệt Thiện Kế chùa Tang Liên tỉnh Phúc Kiến. Mặt sau là phần dịch tiếng Việt và các đệ tử kế thừa đời thứ 36  ở Phú Yên.

Chùa Châu Lâm còn lưu giữ tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng 2.000 cân, cao 1,5m và bia bằng đá của 24 vị nữ đệ tử của thiền sư Pháp Lâm, đã hoằng hóa đạo pháp ở chùa Viên Thông tại Huế. Các đệ tử tưởng nhớ Tổ đường Châu Lâm nên đã khắc bia và cúng dường đại hồng chung lưu niệm. Đại hồng chung có sự chứng minh của Hòa thượng các chùa sắc tứ Bảo Lâm, Từ Hiếu, Quốc Ân, Tường Vân ở Huế và các vị Hoàng thân cùng công chúa…Hòa thượng Quảng Đức với “ Quả tim bất diệt” là pháp điệt của thiền sư Hoằng Thâm đệ tử của Tổ kế thừa húy Chơn Kiâm hiệu Pháp Lâm phái Lâm Tế, đời thứ 40.

Chùa Châu Lâm ngày xưa trước mặt là cánh đồng nên chùa còn có tên Đồng Mạ. Những năm chiến tranh tàn phá, chùa bị hư hại nặng nề, vậy mà các tượng Phật và khí mảnh thờ phượng trong chánh điện không hề hư hỏng. Châu Lâm ngày nay khang trang   nơi có Đền thờ và Bia Tổ Liễu Quán.

                                                                                                               Nguyễn Đình Chúc

Theo Báo Phú Yên 

 

Tư  liệu tham khảo:

– Lược sử Phật giáo và các chùa Phú Yên – Nguyễn Đinh Chúc – Huệ Nguyễn, nxb Thuận Hóa – Huế 1999.

– Lịch sử Phật giáo xứ Huế – Thích Hải Aán – Hà Xuân Liêm, nxb Tp HCM năm 2001.

-Những ngôi chùa Huế –  Hà Xuân Liêm, nxb Thuận Hóa – Huế 2000.

– Chùa Thiền Tôn và Tổ sư Liễu Quán – PL.2543.

– Tiểu sử Tổ sư Liễu Quán -Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên, PL 2543.

, , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *