CHÙA TỔ PHƯỚC LONG NƠI HUN ĐÚC NÊN CÁC BẬC CAO TĂNG DÒNG LÂM TẾ LIỄU QUÁN – SÔNG CẦU

Phù sinh nhân thế lang thang mãi

Lân mẫn thiền môn vẫn đợi hoài.

Chùa Phước Long là một trong những ngôi cổ tự có mặt sớm nhất Thị xã Sông cầu. Từ quốc lộ 1A (qua chợ Xuân Lộc), lữ khách men theo con đường làng đi vào cánh đồng, hai bên là hai hàng dừa xanh mướt. Chùa tọa lạc tại thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc, Thị xã Sông cầu, tỉnh Phú Yên, cách đèo Cù Mông 5km về hướng Nam. Diện tích chùa 2500m2, quay mặt về hướng Nam, phía trước là đồng ruộng, phía sau là làng mạc thôn xóm.

Cổng ngoài khi bước vào chùa Phước Long

Khi bước vào, chúng ta sẽ thấy cổng tam quan rêu phong cổ kính có tuổi đời gần 100 năm. Cổng được xây dựng bằng gạch nung và vôi vữa theo lối kiến trúc Đình, Chùa người Việt. Qua khỏi cổng Tam Quan ta sẽ gặp bức bình phong với hình con Nghê đắp nổi, một trong những linh vật của người Việt xưa.

Cổng tam quan rêu phong cổ kính – chùa Phước Long

Bức bình phong – chùa Phước Long

Phía sau bức bình phong là ngôi chính điện, tuy không nguy nga đồ sộ nhưng lại mang vẻ bình yên mộc mạc của làng quê nghèo.

Quang cảnh chùa Phước Long

Kiến trúc được xây theo hình mái đao, lợp ngói vảy cá, hai bên là lầu chuông trống. Thật đúng như ý nghĩa của câu đối trước cửa chùa:

Phước địa liên hoa hương sắc hảo

Long điền tinh mễ lợi nhơn sanh.

Tạm dịch:

Phước địa hoa sen hương sắc thắm

Long điền gạo trắng lợi nhân sanh.

Bảo điện chùa Phước Long

Bên trong chính điện được trang trí như những ngôi chùa Bắc tông, trông rất trang nghiêm thanh nhã.Tượng đức Bổn Sư được tôn trí ở giữa, phía sau là cội Bồ đề được vẽ rất sinh động, hai bên là tượng Quan Âm và Địa Tạng.

Tổ đường chùa Phước Long

Phía sau nhà Tổ được tôn trí bức họa Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi, sơ Tổ của dòng Thiền Việt Nam, đây là điểm đặc sắc của chùa.Trong khi đó, các chùa trong vùng thờ Tổ Đạt Ma. Trước điện Tổ có hai câu đối:

Xuất sanh công đức thành chánh đạo

Nhập môn pháp nhũ cộng triêm ân

Tạm dịch:

Công đức phát sanh thành chánh đạo

Pháp nhũ thấm nhuần chốn thiền môn

Phía trong có cặp đối:

Phước tự mệnh danh sử thiên hạ vi thiện nam thiện nữ

Long ân phổ chúng ngưỡng đế thế chi như hạ như xuân

Tạm dịch:

Mệnh danh Phước tự khiến thiên hạ thành thiện nam tín nữ

Khắp nhờ Long ân mong thế sự đẹp như hạ như xuân

Ngoài ra còn có hai câu biểu:

 Kế mai lâm

Nam Hoa chấn

Tạm dịch:

Thừa kế ở rừng mai

Chấn hưng chốn Nam Hoa

(Tích truyện: Ngài Lục Tổ Huệ Năng thừa kế Y Bát ở làng Huỳnh Mai, của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, xuôi về phương Nam trụ lại ở chùa Bảo Lâm (Quảng Đông) chấn hưng Thiền tông. Sau này chùa Bảo Lâm đổi tên thành chùa Nam Hoa. Nguyễn Trãi có lần đi sứ qua nơi này có cảm tác bài thơ Du Nam Hoa Tự, trong đó có câu: “…Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy.  Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần”).

Nguyên trước kia chùa tọa lạc nơi xứ Bàu Bàng (Gò Ốc) ven đầm Cù Mông, do Thiền Sư húy Đại Thâm hiệu Oai Đức thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 37 khai sơn. Nếu tính theo niên đại vào khoảng cuối thời Tây Sơn và đầu Triều Nguyễn. Trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm dòng thời gian của lịch sử, tuy là dòng Lâm tế Liễu Quán nhưng nơi đây cũng có nhiều bậc cao tăng dòng Lâm Tế Chúc Thánh trụ trì như Ngài Ấn Đức, Ngài Ấn Đạt, Ngài Tuệ Tánh, Ngài Tuệ Chân, … .  Khi đến đời Thiền Sư Trừng Hằng, hiệu Vĩnh Bảo, tự Công Đang, khoảng năm Bảo Đại thứ 10 (1935) thì di dời chùa về thời điểm hiện tại vẫn lấy tên là chùa Phước Long. Chính nơi đây, đã phát triển một thời vàng son rực rỡ, từng là nơi nương tựa tâm linh cho người dân nơi này và những vùng quê lân cận. Ngoài ra, Ngài tiếp Tăng độ chúng và xuất hiện không ít cao Tăng thạc Đức, như các Ngài:

1. Tâm Minh tự Truyền Chánh, hiệu Liên Châu, trụ trì chùa Long Quang

2. Tâm Dung, tự Truyền Diệu, hiệu Liên Phương, trụ trì chùa Thiên Hưng ( Tuy An )

3. Tâm Quảng, tự Truyền Độ, hiệu Viên Minh, trụ trì chùa Châu Lâm ( Tuy An )

4. Tâm Bổn, tự Truyền Lai, hiệu Trí Nghiêm, là nhà dịch giả của nhiều bộ kinh đại thừa như Phổ Môn Giảng Lục,Thành Thật Luận, kinh Lời Vàng…và đặc biệt là bộ kinh Đại Bát Nhã. ( 24 tập )

Cho đến nay, hàng con cháu đã hoằng dương phật pháp khắp nơi cả trong và ngoài nước. Qua các thời kỳ chiến tranh cho đến năm 1991, chùa được ĐĐ.Thích Nguyên Thành và ĐĐ. Thích Quảng Đạo đại trùng tu, cho nên có diện mạo như ngày hôm nay. Giám tự hiện tại là ĐĐ. Thích Nhuận Hiệp.

Tháp tổ chùa Phước Long

Hiện nay, bên cạnh khuôn viên chùa có hai ngôi tháp Tổ là nơi lưu giữ nhục thân của Ngài Trừng Hằng, hiệu Vĩnh Bảo và Ngài Trừng Tự, hiệu Vĩnh Châu (khai sơn chùa Phước Điền).Chùa được trụ trì qua các đời:

  1. Dòng Lâm Tế đời thứ 42, Ngài Vĩnh Bảo, húy Trừng Hằng.
  2. Dòng Lâm Tế đời thứ 42, Ngài Vĩnh Châu, húy Trừng Tự.
  3. Dòng Lâm Tế đời thứ 43, Ngài Truyền Độ, húy Tâm Quảng.
  4. Dòng Lâm Tế đời thứ 43, Ngài Truyền Hữu, húy Tâm Thông

Như Thi sĩ Nguyễn Bính đã từng thốt lên rất thi vị :

Làng tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm

Vâng! Gió thì mỗi mùa mỗi khác, trăng thì giữa tháng mới tròn nhưng chùa lúc nào cũng hiện diện và nói lên sự thân thương gần gũi. Theo dòng thời gian, tất cả đều đã đi qua, ngôi cổ tự Phước Long vẫn còn trụ lại đó, để đón tiếp lữ khách thập phương thăm viếng và là nơi nương tựa tâm linh của bà con lối xóm…..

Trong kinh Pháp Hoa có câu:

Chư pháp trụ pháp vị

Thế gian tướng thường trú

Dịch:

Các pháp trụ ngôi pháp

Tướng thế gian thường còn

Các pháp được sinh ra, có sinh có diệt, nhưng dòng sinh diệt đó chỉ là chuyển đổi trạng thái từ hình tướng này qua hình tướng khác mà thôi. Và cũng như thế, chùa Phước Long tuy chuyển đổi địa điểm và trải qua bao lần trùng tu nhưng vai trò hoằng pháp lợi sinh vẫn không hề thay đổi.

Dưới đây là một số hình ảnh gửi đến độc giả:

PG Sông Cầu – BBT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *